Người dân Venezuela đã đổ ra đường trong nước mắt khi vị Tổng Thống yêu mến của họ qua đời.Tổng thống Venezuela Hugo Chavez có một tính cách nổi bật và có tài năng hùng biện. Nhưng điều sâu xa khiến người Venezuela yêu thích ông, có thể được nhìn thấy một phần từ cuộc sống của người dân.
Thoát nghèo - những con số trong mơ
Venezuela là một trong những quốc gia có tốc độ đô thị hóa nhanh nhất ở Mỹ Latin. Phần lớn người dân Venezuela đang sống tại các thành phố ở miền bắc, đặc biệt là ở thủ đô Caracas, đô thị lớn nhất đất nước. Từ khi phát hiện ra các mỏ dầu khí vào đầu thế kỷ 20, Venezuela đã trở thành một trong những nước xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu thế giới, hiện là quốc gia xuất khẩu dầu thứ 4 thế giới và là thành viên chủ chốt của OPEC.
Từng là một nhà cung ứng các mặt hàng nông nghiệp kém phát triển, ngân sách của chính phủ Venezuela đã tăng nhanh nhờ sự lên ngôi của dầu mỏ. Nhưng sự dư thừa dầu mỏ trên thế giới những năm 80 đã dẫn tới một cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài, khiến tỷ lệ lạm phát của Venezuela chạm tới mốc 100% vào năm 1996 và tăng tỷ lệ nghèo đói lên tới 66 % vào năm 1995. Chính quyền khi đó bị công chúng cho là tham nhũng và khiến dân chúng nghèo khổ.
Thắng cử lần đầu năm 1998, Chavez nổi tiếng bởi chính sách ủng hộ chủ nghĩa xã hội và tái phân phối của cải trong xã hội, phê phán nền kinh tế tự do kiểu mới. Ông đã đưa ra những chính sách tích cực và đạt được thành tựu đáng kể.
Chavez đã tạo ra những kỷ lục về kinh tế và xã hội mà những tổng thống khác, những người đang vật lộn trong khó khăn của cuộc khủng hoảng kinh tế, chỉ có thể mơ.
Theo dữ liệu được tờ The Guardian của Anh công bố, Chavez, trong 10 năm đầu cầm quyền, đã đưa chỉ số GDP của Venezuela tăng gần gấp đôi, giảm tỷ lệ thất nghiệp và tử vong ở trẻ sơ sinh xuống một nửa. Số người dân cực nghèo giảm từ 23,4% vào năm 1999 xuống còn 8,5% sau một thập kỷ. Con số này đã khiến Venezuela trở thành quốc gia có tỷ lệ người nghèo đói thấp thứ ba Mỹ Latin.
Lượng tuyển sinh vào các trường đại học tăng gấp đôi, hàng triệu người dân lần đầu tiên được hưởng dịch vụ chăm sóc sức khỏe và số lượng người được hưởng lương hưu tăng gấp 4 lần. Tổng sản phẩm quốc nội GDP đầu người của Venezuela năm 2011 đạt hơn 10.000 USD.
Mức sống lên cao
Ký giả Eva Golinger viết trên mục ý kiến của CNN như sau: Nhà lãnh đạo từng trải qua một tuổi thơ nghèo khó trong những túp lều, phải bán bánh kẹo trên đường phố để kiếm tiền nuôi sống bản thân và gia đình, từng mơ ước sẽ có thể xây dựng được một quốc gia giàu có, tự chủ và có vị thế trên toàn cầu. Ông mong muốn mang tới cho tất cả mọi người cơ hội được có một el buenvivir - cuộc sống tốt đẹp, như ông vẫn từng nói.
Chavez thiết lập một hệ thống y tế cấp quốc gia, mang lại cơ hội chăm sóc sức khỏe cho hàng triệu người, trong số đó có những người chưa từng nhận bất cứ dịch vụ y tế nào. Chavez cho thi hành một chính sách quản lý mới, trong đó trao tiếng nói cho những người từng bị loại khỏi chính trường. Ông lập ra các hội đồng cấp cơ sở và những mạng lưới để chăm lo cho nhu cầu của người dân trên khắp đất nước, đặt quyền lực trong tay các tổ chức cộng đồng.
Chính phủ cho xây dựng đường sắt, các ngành công nghiệp mới, những thành phố vệ tinh, và hệ thống giao thông vận tải kiểu mới, như cáp treo MetroCable Cars tại thủ đô Caracas, để kết nối những người dân sống trên sườn đồi với thành phố sôi động bên dưới.
Trong thời gian Hugo Chavez nắm quyền, bất bình đẳng về thu nhập ở Venezuela đã giảm dần, giống như tình hình ở hầu hết các nước trong khu vực. Venezuela là nước có phân phối thu nhập đồng đều nhất ở Mỹ Latinh, tính theo hệ số của hệ Gini. Năm 2011 hệ số Gini của Venezuela giảm còn 0,39. Nếu so sánh với hệ số đó của Brazil là 0,52, thấp nhất trong lịch sử Brazil. Vì vậy mỗi người dân Velezuea giờ đây nhận được một phần bánh công bằng hơn.
Vấn đề là ở chỗ chiếc bánh đó lại không lớn nhanh là mấy.
“Venezuela là nền kinh tế lớn thứ 5 ở Mỹ Latinh, nhưng trong thập kỷ qua lại là nước có chỉ số tăng trưởng tính theo bình quân đầu người thấp nhất”, Arturo Franco thuộc Trung tâm phát triển quốc tế tại đại học Havard nhận xét trên BBC.
Người Venezuela có được sung sướng và hưởng lợi từ tài nguyên quốc gia hay không, theo lời ông Franco, điều đó tùy thuộc vào cách tính toán sự tiến bộ của nước này.
Nếu so sánh cuộc sống dưới thời ông Chavez với 20 năm trước, dưới chế độ hai đảng vốn đầy tai tiếng vì nhũng tràn lan, thì thời kỳ của ông Chavez được ưa thích hơn. Tuy nhiên nếu ta nhìn vào hiệu suất kinh tế cao ở các nước láng giềng như Brazil và Colombia trong cùng thời kỳ thì bỗng nhiên tình hình không phải là toàn màu hồng.
Kinh tế dựa vào dầu
Và với tình hình giá một thùng dầu hiện nay cao gấp khoảng 10 lần so với khi ông Chavez lần đầu lên nắm quyền, những người đố lập với ông nói rằng đáng ra Chavez đã có thể và cần phải làm được nhiều hơn thế.
Dầu mỏ vẫn là trụ cột của nền kinh tế Venezuela trong hơn một thập niên qua, có thể cho thấy thực tế là kinh tế chưa được đa dạng hóa. Khoảng 50% nguồn thu ngân sách của chính phủ là từ nền công nghiệp dầu mỏ, chủ yếu từ công ty nhà nước PDVSA. Những người không bằng lòng với Chavez phê phán PDVSA xao nhãng việc tái đầu tư và bảo trì, mà quá chú tâm đến việc đổ tiền cho các chương trình xã hội của chính phủ, đặc biệt là sau vụ nổ tại nhà máy lọc dầu lớn nhất cả nước tháng 8, 2012 trong đó có 42 người bị thiệt mạng. Thực tế là chính phủ đã sử dụng nguồn tiền ngân sách thu được từ công ty để tài trợ cho chi tiêu công, các chương trình nhà ở và giao thông.
Tháng 9, 2012, hãng Reuters đã xuất bản một tập san đặc biệt về một công ty nhà nước, Fonden, mà hiện nay chiếm đến gần một phần ba tổng đầu tư ở Venezuela. Họ đó phát hiện ra một loạt các cơ sở bị bỏ hoang hoặc đang xây dựng dở, bao gồm một nhà máy giấy, một lò luyện nhôm và một đoàn xe buýt không sử dụng - tất cả đều là tiền của Fonden. Kể từ khi công ty Fonden được thành lập năm 2005, nó đã ngốn hết 100 tỷ USD tiền bán dầu của Venezuela.
Chi tiêu công
Trong cuộc vận động tranh cử tổng thống tháng 10 năm ngoài, ông Chavez đã lấy vấn đề thu nhập thấp và nhà ở xã hội làm ưu tiên hàng đầu, phát động một chương trình xây dựng 3 triệu ngôi nhà trước năm 2018. Điều này, một mặt làm tăng kỳ vọng của những người chưa có nhà, mặt khác sẽ làm gia tăng chi tiêu công.
Theo Ngân hàng America-Merrill Lynch, chi tiêu của chính phủ đã tăng 30% trên thực tế do cuộc chạy đua trong suốt 12 tháng trước bầu cử. Morgan Stanley cho rằng thâm hụt tài khóa của Venezuela lên đến 12% GDP.
Việc phá giá mới đây đồng tiền của Venezuela sẽ giúp chính phủ củng cố vị thế tài chính. Vì giá dầu lửa được tính bằng USD, khi đồng bolivar yếu chính phủ sẽ có thêm nhiều tiền. Về lý thuyết, bolivar yếu cũng sẽ giúp Venezuela xuất khẩu được nhiều hàng hóa hơn từ các ngành kinh tế khác. Tuy nhiên, các quan sát viên cho rằng khu vực chế tạo của Venezuela vẫn còn quá nhỏ bé để được hưởng lợi từ chính sách này – một hậu quả khác của việc họ quá tập trung vào ngành dầu khí.
Sức hấp dẫn của Chavez không giới hạn trong Venezuela. Nhằm mở rộng ảnh hưởng của cuộc cách mạng Bolivia của mình, ông Chavez cho phép Cuba và một số nước khác trong khu vực được hưởng lợi từ các hợp đồng dầu mỏ thấp hơn giá thị trường cũng như các khoản vay nhẹ lãi trong các chương trình Alba và PetroCaribe.
Nay khi ông đã qua đời, chính phủ mới sẽ phải quyết định xem liệu có tiếp tục cung cấp tài chính cho mạng lưới "ngoại giao dầu lửa" rộng lớn đó hay không.